Nguồn gốc của thuật ngữ Tiếng Latinh thông tục

Trong thời kỳ Cổ điển, các tác gia La Mã ám chỉ đến hình thức ngôn ngữ không trang trọng, sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày là sermo plebeius hoặc sermo vulgaris, có nghĩa là 'tiếng thông tục/thường dân'.[4]

Cách sử dụng hiện đại của thuật ngữ Latinh thông tục (Vulgar Latin) có từ thời Phục Hưng, khi các nhà tư tưởng người Ý bắt đầu đưa ra giả thuyết rằng ngôn ngữ của họ bắt nguồn từ một loại tiếng Latin 'bị hỏng' mà họ cho rằng đã tạo thành một thực thể khác biệt với văn học Cổ điển, mặc dù các ý kiến khác nhau rất nhiều liên quan đến bản chất của phương ngữ 'thô tục' này.[5]

Tuy nhiên, nhà ngôn ngữ học người Pháp đầu thế kỷ 19 Raynouard, được coi là cha đẻ của môn Ngữ văn tiếng Rôman hiện đại, quan sát thấy các ngôn ngữ Rôman có nhiều đặc điểm chung không hề tồn tại trong tiếng Latinh, hay ít nhất là không có trong tiếng Latinh 'chuẩn mực' tức tiếng Latinh Cổ điển, ông kết luận rằng tất cả chúng đều phải có một tổ tiên chung nào đó (mà ông tin rằng gần giống với tiếng Occitan cổ) đã thay thế tiếng Latinh một thời gian trước năm 1000. Tiếng này được ông gọi là la langue romane hay "ngôn ngữ La Mã".[6]

Tuy nhiên, bài luận 'chuyên nghiệp' đầu tiên về ngôn ngữ Rôman đã được xuất bản bởi nhà ngôn ngữ học người Đức Lorenz Diefenbach, ngay sau đó là cuốn Ngữ pháp của Ngôn ngữ Rôman của Friedrich Diez, tác phẩm đầu tiên áp dụng phương pháp so sánh hiện đại cho nhóm ngôn ngữ này.[7] Chính Diez cuối cùng đã phổ biến cách sử dụng thuật ngữ tiếng Latin thông tục trong thời hiện đại,[8] mặc dù ông chỉ đơn giản là mượn thuật ngữ này từ các tác phẩm của nhiều nhà tư tưởng thời Phục Hưng Ý khác nhau.[9]